Ứng dụng tre trúc trong kiến trúc

Cây tre trong tâm thức của người Việt luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, biểu tượng cho tinh thần gắn bó, thủy chung, dẻo dai mà cũng rất cứng cáp. Những đặc tính ấy của tre đã được đưa vào thiết kế không gian sống một cách hài hòa.

 

“Tre xanh, xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh...”

Cây tre đã đi vào trong thơ ca Việt Nam một cách tự nhiên như là hơi thở, là cuộc sống. Tre là người bạn gần gũi, thân quen và những bụi tre làng từ bao đời nay đã có sự cộng sinh, cộng cảm đối với người Việt trong cuộc sống, từ cho bóng mát, cho món ăn ngon, đến việc sử dụng đa dạng các bộ phận khác của cây tre như lá tre, thân tre, gốc tre... vào các mục đích khác nhau.

Tại những vùng núi cao, đi đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp các loại cây cùng họ với tre như nứa, vầu, trúc... Những rừng tre bạt ngàn ôm lấy những con đường quanh co lên núi cho ta cảm nhận rõ hơn về sức mạnh của một loại cây đã gắn với lịch sử giữ nước của dân tộc ta. Những cây tre không mọc riêng lẻ mà sống thành từng rặng tre, rừng tre... tượng trưng cho tính gắn kết của người Việt.

Với những đặc tính như có độ bền cao, cứng nhưng lại dễ uốn nắn, vật liệu tre rất được ưa chuộng trong kiến trúc nội ngoại thất. Ngoài ra, tre còn rất thân thiện với môi trường, có khả năng chống nóng hiệu quả. Dưới bàn tay khéo léo của con người, vật liệu tre còn được khoác lên mình những dáng hình mới, đầy tính nghệ thuật sáng tạo và thổi vào không gian kiến trúc một cá tính riêng có.

Trong cuộc kiếm tìm của con người để trở về với những thứ mộc mạc nhất, gần gũi nhất với thiên nhiên, trong kiến trúc còn gọi là xu hướng kiến trúc xanh, nhiều gia chủ đã quyết định sử dụng tre trúc như một loại vật liệu chủ đạo để kiến tạo nên không gian sống. Giữa không gian rừng núi mênh mông, những căn nhà tre tạo nên một sự kết nối duyên dáng, hài hòa với thiên nhiên. 

Sử dụng thứ nguyên vật liệu bản địa sẵn có tại địa phương nên việc vận chuyển, thi công khá dễ dàng. Được mệnh danh là “thép xanh” nên nhà làm bằng tre trúc không gây ô nhiễm môi trường, không tạo nên nhiều rác thải xây dựng và nhất là tuổi thọ cao giúp gia chủ yên tâm và tiết kiệm hiệu quả chi phí đầu tư. Theo tính toán, một công trình nhà ở làm bằng tre trúc ở khu vực đồng bằng có kinh phí đầu tư chỉ bằng 1/3 hoặc thậm chí là ¼ so với chi phí của một ngôi nhà được làm bằng vật liệu bê tông cốt thép hay gỗ. Tuy nhiên, chi phí này sẽ nhiều hơn nếu nhà được xây trên vùng núi cao. 

Người ta có thể chọn những thân tre già có đường kính từ 8-10cm, hoặc cây trúc đường kính từ 4-5cm. Phần khung, cột kèo, mái nhà, vách tường đều được sử dụng tre trúc đã đạt độ già để đảm bảo an toàn cho công trình.

Ngoài ra, tre còn có tác dụng chống nắng, chống thấm rất tốt, linh hoạt trong thiết kế, có thể kết hợp với nhiều vật liệu khác để tạo nên một không gian kiến trúc theo lối truyền thống hoặc hiện đại. Toàn bộ công trình được thiết kế cao ráo để nâng cốt sàn lên khoảng 1m, tránh được sự ẩm ướt từ đất ảnh hưởng đến sàn, gây hư hại và cũng giúp cho sàn nhà thoáng mát.

5/5 - (127 bình chọn)